Thành tích khiêm tốn
Ở SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5.2023 tại Campuchia,ĐểngườikhổnglồSEAGameskhôngtíhonởiphone 7 plus cũ đoàn thể thao VN thâu tóm huy chương với 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ, xếp nhất khu vực Đông Nam Á. Trước đó một năm tại SEA Games 31 trên sân nhà, VN lập kỷ lục khi đoạt 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ. Tuy nhiên ở đấu trường ASIAD 19, VN chỉ đoạt vỏn vẹn 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp hạng 21 châu lục. Đây là thành tích nằm ở mức hoàn thành chỉ tiêu ban đầu là đoạt từ 2 - 5 HCV. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT), đánh giá là rất nỗ lực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
So với thành tích các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đạt được ở ASIAD 19, đoàn thể thao VN còn hết sức khiêm tốn khi chỉ xếp hạng 6 sau Thái Lan (12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ), Indonesia (7 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ), Malaysia (6 HCV, 8 HCB, 18 HCĐ), Philippines (4 HCV, 2 HCB, 12 HCĐ), Singapore (3 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ). Hàng loạt nhà vô địch SEA Games, thậm chí vô địch châu Á của VN khi ra đấu trường ASIAD đều sớm dừng bước.
"Cũng cần thấy ASIAD là đấu trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt khi sở hữu đông đảo nhà vô địch Olympic, vô địch thế giới ở rất nhiều môn như: cầu lông, cử tạ, bắn cung, karate, bắn súng, TDDC, bóng bàn… Vì thế tôi rất khâm phục tinh thần, ý chí, trân trọng những nỗ lực, mồ hôi công sức mà VĐV VN đã bỏ ra. Trong đó chúng ta có những thành tích rất đáng tự hào ở môn bắn súng, karate, cầu mây, TDDC, rowing", ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt tiếc nuối: "Nếu so với chỉ tiêu tối đa giành 5 HCV đặt ra ban đầu, chúng ta đã hoàn thành được hơn 50%, nhưng đoàn đã đạt chỉ tiêu tối thiểu. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rất tiếc khi lẽ ra chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn khi nhiều nội dung thi đấu của một số đội tuyển đã không thể hoàn thành mục tiêu của mình. Tôi cảm thấy rất tiếc khi Nguyễn Thị Thật ở môn xe đạp gặp chấn thương trước thềm ASIAD 19. Cô đã rất nỗ lực để thi đấu và cạnh tranh chiếc HCV nhưng lực bất tòng tâm. Tiếc nuối thứ 2 của tôi là ở môn boxing. Nhiều tuyển thủ vì các lý do khác nhau chưa thể hiện hết khả năng, trong đó Nguyễn Thị Tâm không thi đấu như mong đợi vì chấn thương. Ngay như môn bắn súng, ngoài chiếc HCV bất ngờ của Quang Huy thì hai niềm hy vọng là Trịnh Thu Vinh và Hà Minh Thành đều thi đấu dưới mong đợi. Môn cờ tướng ở nội dung đồng đội hỗn hợp rất được kỳ vọng, nhưng ở trận chung kết chúng ta đã chơi không đúng phong độ, nên chỉ giành được HCB. Thể thao VN đã không thành công như mong đợi. Chúng tôi xin lỗi khán giả, người hâm mộ".
Gieo cây nào gặt quả ấy
Nhìn lại thành tích của thể thao VN ở đấu trường ASIAD từ trước đến nay, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết chúng ta có tiến bộ nhưng không ổn định. Mấu chốt vẫn là nằm ở chiến lược đầu tư và ngân sách cho thể thao còn thấp.
Nếu dựa vào ngân sách nhà nước thì không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của việc đào tạo và nâng cao trình độ của VĐV. Muốn đủ tiền đầu tư, chúng ta cần làm tốt công tác xã hội hóa thể thao.
"Thái Lan có thế mạnh ở các môn taekwondo nhờ đầu tư trọng điểm, gặt hái thành công không chỉ ở ASIAD mà cả Olympic. Họ còn tạo đột phá với 2 HCV môn golf, và ngoài ra còn đưa được môn truyền thống cầu mây vào thi đấu ở ASIAD 19. Indonesia phát huy được hiệu quả với 2 HCV môn bắn súng. Philippines, Singapore có HCV ở môn thể thao cơ bản Olympic là điền kinh. Có thể thấy ngoài đầu tư dài hạn cho các mũi nhọn, các nước trong khu vực cũng thành công khi chuyển trọng tâm sang các môn thể thao hấp dẫn, môn thể thao có trong chương trình thi đấu chính thức của ASIAD, Olympic. Họ bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của cho việc đầu tư này, và điều quan trọng là có tầm nhìn chiến lược đúng đắn và làm tới nơi tới chốn để thu về thành quả. Chúng ta chưa được như thế", ông Minh chia sẻ.
Trong báo cáo hoạt động năm 2022, hướng tới nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) cũng tha thiết đề xuất Bộ VH-TT-DL đề nghị nhà nước tăng kinh phí cho ngành thể thao. Khi đó ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (nay đã nghỉ hưu), cho biết trung bình mỗi năm ngành thể thao được cấp kinh phí trên dưới 800 tỉ đồng. Số tiền này dùng chi tiền ăn, công tập luyện của HLV, VĐV các đội tuyển chứ không dôi dư để đầu tư vào cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại. Việc đầu tư cho các môn thể thao, trong đó có đầu tư trọng điểm luôn được đề cập đến nhưng rào cản lớn nhất với ngành thể thao vẫn là kinh phí.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: "Muốn có VĐV có thành tích cao, phải đầu tư thời gian dài mới gặt hái thành tích. Trong đầu tư phải kết hợp nhiều yếu tố như những vấn đề về sinh học, chăm sóc sức khỏe, chữa trị hồi phục chấn thương, dinh dưỡng, cải tiến phương tiện dụng cụ tập luyện, phải có chuyên gia giỏi… Tất cả những thứ cần thiết trên đều cần sự đầu tư về tiền bạc. Thể thao VN theo tôi chưa bao giờ nhận được sự đầu tư tương xứng cho việc đào tạo VĐV thành tích cao, dẫn đến hệ quả không có nhiều VĐV đẳng cấp châu lục, thế giới".
Ông Đặng Hà Việt nói: "Đấu trường ASIAD và Olympic đòi hỏi rất cao. Chúng ta chẳng thể ngày một ngày hai đào tạo ra được những nhà vô địch ASIAD hoặc Olympic, vì đó là một quá trình dài hơi và đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đặc biệt, thể thao luôn phải gắn liền với kinh tế. Các bạn cũng thấy tại ASIAD 19 lần này, những quốc gia có nền kinh tế mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng chính là các nước đua tranh thành tích của châu lục. Vì thể thao mạnh thì phải có tiền để đầu tư về công tác tuyển chọn, đào tạo và xây dựng được một hệ thống giải đấu thể thao bài bản và mang nhiều yếu tố hiện đại. Nói chung, rất nhiều thứ của thể thao đều liên quan đến kinh phí, đến tiền".
Phải xã hội hóa thể thao
Một trong những giải pháp để thể thao VN phát triển đó là giải bài toán kinh tế thể thao để chủ động nguồn ngân sách cho đào tạo VĐV đỉnh cao. Ông Đặng Hà Việt cho biết thể thao VN cần sự chung sức của các liên đoàn, hiệp hội, phải giải được bài toán về kinh tế thể thao để có thêm nguồn kinh phí cho công tác đào tạo VĐV, nâng cấp cơ sở vật chất ở các trung tâm huấn luyện thể thao.
"Thể thao muốn mạnh thì phải thực hiện xã hội hóa tốt nhưng muốn thế thì các doanh nghiệp VN phải khỏe mạnh. Đó vẫn là vấn đề đau đầu của những người làm thể thao chúng tôi. Thật sự chúng tôi rất mong nền kinh tế của VN phát triển vững mạnh, để những doanh nghiệp của chúng ta cùng chung tay với thể thao cho những chiến lược đầu tư trọng điểm", ông Việt nói.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết hiện tại kinh phí hoạt động của thể thao VN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi ở nhiều nước có nền thể thao mạnh, họ đầu tư cho thể thao dựa vào nguồn xã hội hóa thông qua các liên đoàn, hiệp hội thể thao. "Nếu dựa vào ngân sách nhà nước thì không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của việc đào tạo và nâng cao trình độ của VĐV. Muốn đủ tiền đầu tư, chúng ta cần làm tốt công tác xã hội hóa thể thao. Một số liên đoàn, hiệp hội dần phát huy được vai trò trong xã hội hóa thể thao nhưng cũng rất nhiều tổ chức xã hội hoạt động kém hiệu quả và được phản ánh rõ ràng qua đóng góp của họ đầu tư, thành tích của môn thể thao đó", ông Minh nói.
Cải thiện thể chất người Việt
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương: "Thời gian qua, VĐV VN có tiến bộ, nhưng chỉ là so với chính mình trước đây thôi. Do đó, thể thao VN cần phải đánh giá lại và có chiến lược phát triển trong thời gian tới. Về lâu dài, bản chất của vấn đề là phải cải tạo nòi giống. VĐV VN so với các nước khác là thấp bé nhẹ cân, điểm yếu về sức mạnh và sức bền. Với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, VĐV không thể chỉ thi đấu bằng tinh thần được, mà phải đòi hỏi thể chất.
Làm sao cho người Việt cao hơn, khỏe hơn, mạnh hơn thì mới cạnh tranh tầm châu lục và thế giới được.
Muốn cải thiện thể chất thì phải có sự đầu tư cho nền tảng, cho trẻ em chơi thể thao từ nhỏ. Điều này đòi hỏi phải đầu tư cho cơ sở vật chất, dinh dưỡng, bên cạnh đó là thể thao phong trào, hệ thống thi đấu, trình độ HLV... Nếu chúng ta không đặt yếu tố sức khỏe, cải thiện nòi giống lên hàng đầu thì đừng hy vọng đến thể thao thành tích cao. Đây không phải nhiệm vụ của riêng ngành thể thao".
Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy nói: "Chúng ta không cần ưu tiên SEA Games nữa, đừng đặt nặng thành tích đứng tốp bao nhiêu ở Đông Nam Á. VĐV chủ lực cũng nên cân nhắc việc tham dự các giải đấu. Thậm chí nếu cần, VĐV có thể bỏ SEA Games để có thể tính toán điểm rơi phong độ thích hợp, dồn sức cho ASIAD, Olympic".
Thu Bồn